Cập nhật kiến thức, trao đổi các kinh nghiệm quý về điều trị đột quỵ

Chiều 11-5, Bệnh viện Quân y 175 tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản lý chất lượng và cập nhật điều trị đột quỵ” góp phần cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực đột quỵ.

Hội thảo chuyên đề “Quản lý chất lượng và cập nhật điều trị đột quỵ” có sự tham gia của đông đảo trong và ngoài bệnh viện. Tại chương trình, các đại biểu được những chuyên gia từ Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Quân y 175, Chương trình Angels… chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm điều trị trong lĩnh vực đột quỵ.

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đột quỵ có nguy cơ tử vong cao là do bệnh nhân không biết được triệu chứng đột quỵ, hoặc khi biết triệu chứng thì đi đến bệnh viện chậm, thậm chí đi không đúng bệnh viện có đơn vị đột quỵ. Cùng với đó, khâu phân loại bệnh nhân đột quỵ để ưu tiên cấp cứu trước tại một số cơ sở y tế chưa đạt yêu cầu, sự phối hợp giữa các khoa, phòng trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chưa chặt chẽ… Do đó, vấn đề đặt ra đối với công tác cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là phải tối ưu hóa được quá trình rút ngắn thời gian cấp cứu.

Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Trương Đình Cẩm, Phó giám đốc BVQY 175 phát biểu tại Hội thảo

Theo chia sẻ của Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, để nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân đột quỵ cần thiết lập đội ngũ cấp cứu trước viện có kinh nghiệm trong việc nhận diện, đánh giá ban đầu bệnh nhân đột quỵ cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa sẽ rút ngắn thời gian điều trị tái thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế ở khu vực lân cận và tuyến trên để bảo đảm quy trình vận chuyển bệnh nhân nhanh chóng và an toàn. Tại Bệnh viện Quân y 175 đã hình thành nhóm “Code stroke” tạo mối liên kết chặt chẽ trong quy trình điều trị đột quỵ cấp giúp cho nhiều bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị kịp thời trong giờ vàng.

Đội ngũ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tham dự hội thảo

Cũng trong buổi hội thảo, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện nhân dân 115 trình bày về 2 nội dung cập nhật liên quan điều trị đột quỵ cấp là “can thiệp mạch cửa sổ muộn” và “can thiêp mạch ở bệnh nhân nhồi máu não lõi nhồi máu lớn”. Trước đây với những nhóm bệnh nhân này, điều trị thường chỉ là điều trị bảo tồn tức là bệnh nhân không có cơ hội phục hồi sớm thông qua những can thiệp tái thông. Tuy nhiên với những nghiên cứu mới được công bố cho thấy có thể có lợi khi can thiệp trên những bệnh nhân này có tiêu chí lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng cũng khuyến cáo rằng cần thận trọng hơn khi áp dụng những nghiên cứu này tại các bệnh viện trong nước bởi điều kiện hồi sức còn chưa đáp ứng đủ, áp lực quá tải bệnh nhân, có thể làm ảnh hưởng đến những bệnh nhân có tiêu chuẩn can thiệp bắt buộc như trước giờ vẫn áp dụng.

PGS. TS. BS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, kiêm trưởng khoa bệnh lý mạch máu não
Bệnh viện nhân dân 115 trình bày tại hội thảo

Thiếu tá, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh
báo cáo tình hình điều trị đột quỵ BVQY 175 trong năm 2022 và đầu năm 2023

Nhiều giải pháp được chuyên gia chia sẻ tại hội thảo như: Cần xây dựng quy trình và phác đồ điều trị chuẩn theo hướng dẫn của Tổ chức đột quỵ thế giới, luôn bảo đảm tuân thủ thời gian vàng trong các khâu cấp cứu bệnh nhân, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa khoa nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, cấp cứu trong việc ưu tiên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân, tăng cường huấn luyện, đào tạo liên tục nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế tham gia cấp cứu đột quỵ, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân đến cấp cứu nhanh chóng trong “thời gian vàng”…

Đại tá, PGS, TS, bác sĩ Trương Đình Cẩm, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 khẳng định: Trong thời gian qua, Bệnh viện Quân y 175 triển khai tốt công tác cấp cứu người bệnh đột quỵ; tiến bộ nhất là công tác tổ chức, sự phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng từ đơn vị cấp cứu đến chẩn đoán hình ảnh, nội thần kinh. Qua đó, giúp khả năng tiếp cận bệnh nhân sớm hơn, xử trí kịp thời và giúp cơ hội được chữa lành của bệnh nhân tăng lên. Tuy vậy, hành trình tiếp nhận xử trí cấp cứu, điều trị, chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực liên tục của tập thể thầy thuốc của bệnh viện.

Ban truyền thông &Marketing

Scroll to top