Con yêu của mẹ, giờ này con đã ngủ say rồi, mẹ ngồi đây viết vài dòng tâm sự gửi đến con. Mẹ hiểu rằng con còn quá nhỏ để hiểu hết những tâm tư của mẹ nhưng mẹ tin rằng sẽ có ngày con đọc và thấu hiểu những suy tư trong lòng mẹ.
Con biết không ? Hôm nay mẹ đọc cho con nghe một cuốn sách với tựa đề : “Khi tôi lớn lên tôi muốn trở thành…” cuốn sách trang trí rất đẹp, tương tác với con rất tốt và có rất nhiều nghề được giới thiệu đến con yêu. Nhưng lòng mẹ chùn lại, mẹ tự hỏi : Tại sao nghề điều dưỡng của mẹ lại không có trong quyển sách này nhỉ? Liệu con gái mẹ có tò mò hỏi mẹ không?
Mẹ sẽ tự hào nói với con rằng : Mẹ là một điều dưỡng viên và mẹ trân quý công việc mẹ đang làm. Con biết không? Nhiều người vẫn gọi điều dưỡng viên như mẹ là “ y tá”, vẫn truyền tai nhau những quan điểm rằng : “các cô y tá suốt ngày ăn rùi tiêm chích, phát thuốc, bác sĩ sai làm gì thì làm cái đó chứ có biết gì đâu”. Ôi! Lòng mẹ thấy xót xa con gái à, vì mọi người chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng và đánh giá như vậy, nhưng phần chìm thì không phải ai cũng biết đến. Người điều dưỡng học cách phát thuốc sao cho đúng, tiêm sao cho an toàn, thực hiện y lệnh sao cho kịp thời và chính xác, giao tiếp với người bệnh và gia đình, với đồng nghiệp sao cho chuyên nghiệp, lập bản kế hoạch chăm sóc người bệnh sao cho phù hợp và tiến hành thủ thuật sao cho chính xác. Giữ cái đầu lạnh, trái tim nóng, giữ tinh thần minh mẫn ngay trong những ngày trực 24h và luôn sẵn sàng trường hợp cấp cứu và có một đôi chân “sắt” đứng và đi lại suốt 8h đồng hồ. Con biết không ? Ngay khi con mới chào đời, mẹ đã phải nghĩ suy : làm thế nào để nuôi dạy con thành một công dân toàn cầu, bởi vì cuộc cách mạng công nghiệp quá mãnh liệt và điều dưỡng cũng phải vươn mình hướng theo cuộc cách mạng 4.0 này con gái ạ. Vậy nên, sẽ có lúc con thấy mẹ miệt mài nâng cao các kỹ năng : học tập, lắng nghe chủ động, tư duy phản biện, quan sát, đánh giá, sáng tạo và sử dụng các ứng dụng công nghệ trong công việc bởi vì mẹ hiểu trên cuộc đua này nếu mẹ dừng chân nghỉ một chút hay lười biếng trì trệ, thích nghi kém thì mình sẽ tự bị đào thải ra khỏi cỗ máy vận hành của vũ trụ. Có tâm thế sẵn sàng lắng nghe và phân tích, phản biện những quan điểm , ý kiến trái chiều trước khi tiến hành công việc. Việc học chủ động cần thiết hơn bao giờ hết, chủ động tìm hiểu, học hỏi và áp dụng những thông tin mới phù hợp và luôn nhớ rằng việc học là của bản thân mình chứ không phải của tổ chức. Mẹ mong rằng mẹ sẽ biết cách tự tổ chức và sắp xếp thời gian của mình để vẫn có thời gian dành cho con.
Có một điều mà mẹ buồn đến bây giờ con yêu à, đó là chuyện mẹ đã không chăm sóc con thật chu đáo khi con là bào thai bé nhỏ đang ở trong bụng mẹ. Mặc dù mẹ biết mẹ cần chăm sóc thiên thần bé nhỏ của mẹ thật kĩ, nhưng mẹ bị công việc cuốn theo, khi mẹ muốn ngồi nghỉ một chút giữa ca làm việc, hay uống ly sữa ấm dặm thêm để mong con được đầy đủ dinh dưỡng nhưng mẹ cũng không thực hiện được vì mẹ biết bệnh nhân rất cần sự chăm sóc chú ý của mẹ từng phút từng giờ. Có lẽ vì thế mà cô gái của mẹ định bụng sẽ ra gặp mẹ sớm ở tuần thứ 35 phải không? Lúc đó mẹ đã khóc rất nhiều vì thương con, nhưng mẹ nghĩ mẹ phải thật mạnh mẽ để sau con gái mẹ cũng là cô gái dũng cảm và kiên cường. Cuối cùng mẹ con mình đã cùng nhau vượt qua thật xuất sắc, con chọn tuần 41 ra gặp mẹ. Cảm ơn con yêu đã luôn đồng hành và cảm thông cho mẹ.
Mẹ chưa từng nghĩ mẹ sẽ là cô điều dưỡng khoa hồi sức và lúc mẹ học cũng không thầy cô nào nhắc đến bảng công việc điều dưỡng hồi sức sẽ làm con ạ. Khi mẹ bước chân vào khoa, mẹ bị choáng ngợp và stress một thời gian. Tiếng các thiết bị y tế thi nhau réo và kêu inh ỏi như tiếng người bệnh cầu cứu nhân viên y tế và như lời nhắc nhở luôn phải trong tư thế sẵn sàng cấp cứu 24/24. Điều dưỡng luôn luôn bận rộn từ việc cho ăn ,việc vệ sinh thân thể tắm, thay tã, đánh răng cho người bệnh đến việc thực hiện y lệnh thường quy và cấp cứu. Dường như đôi chân không có lúc nào ngừng bước và ngồi nghỉ. Mẹ đã sợ hãi và hoang mang đến mức suốt 2 tháng liền giật mình vì mơ đến tiếng máy thở, tiếng monitor cấp cứu. Mẹ nhớ lần đầu tiên mẹ trực vào dịp Tết, khi mọi người tưng bừng dọn dẹp hành lý về quê, mua mai đào và sắm quần áo mới, mẹ lủi thủi đi làm từ sáng sớm, mẹ không cảm nhận được không khí ngày 30 tết là như thế nào nữa vì lúc đó mẹ đang hối hả trong bệnh viện, liên tục nhận các ca cấp cứu và chăm sóc mà không biết khái niệm về thời gian. Rồi thời khắc giao thừa cũng đến, các đồng nghiệp của mẹ tranh thủ chia nhau trực và gọi điện về cho gia đình. Thật sự mẹ xúc động không nói lên lời, vì lúc đó mẹ không biết biểu lộ cảm xúc của mình ra sao, lần đầu tiên mẹ đón khoảnh khắc thiêng liêng này một mình, không có ông bà bên cạnh, xung quanh chỉ là người bệnh và máy móc, chỉ là những tiếng bíp bíp của thiết bị y tế chứ không phải là tiếng cười chúc nhau năm mới, tiếng nhạc và tiếng pháo quen thuộc. Mẹ xúc động, mẹ lén ra một góc và khóc, mẹ lấy khẩu trang và kính che đi để không ai nhìn thấy giọt nước mắt đó, rồi cũng lấy động lực và gọi về cho ông bà chỉ kịp nói câu : bố mẹ yên tâm sang năm con sẽ về. Vậy mà mấy năm mẹ vẫn dùng lời hội thoại đó với ông bà con ạ.
Có người hỏi mẹ: Tại sao lại chọn nghề này? Nếu con có hỏi mẹ thì mẹ cũng sẽ mỉm cười và trả lời con như với người đó. Mẹ sẽ nói rằng mẹ hạnh phúc vì mẹ đã chọn nghề điều dưỡng, vất vả, đắng cay, tủi nhục và rất nghèo nhưng mẹ có động lực lớn từ ý nghĩa của công việc, từ niềm hạnh phúc được trao đi và sự xả thân phục vụ. Mẹ vui vì người bệnh khỏe mạnh trở lại, buồn vì có những người đã ra đi và hạnh phúc vì những lời động viên từ người bệnh.
Con gái của mẹ à, con biết không? Ngay lúc này, mẹ con mình an toàn ở nhà giữa đại dịch Covid-19 đang nhấn chìm sự sống trên toàn thế giới, đang cướp đi sinh mạng của nhiều người thì đồng nghiệp của mẹ đang oằn mình, gồng sức lên để chống trọi với cơn sóng thần bệnh tật này để cứu chữa mọi người thoát khỏi nó giống như những hiệp sĩ trong câu chuyện mẹ kể cho con nghe hàng ngày. Mẹ thấy rằng, đại dịch Covid-19 này cũng là thời điểm tốt để thúc đẩy việc áp dụng “Hổi chẩn-Điều trị từ xa” tại nơi mẹ đang công tác con ạ. Không chỉ bác sĩ mà cả điều dưỡng cũng nên thành lập các team hoạt động linh hoạt với nhau như các khoa phòng di động, làm việc dựa trên ứng dụng công nghệ. Từ việc giao ban, hội chẩn, lập ra kế hoạch chăm sóc và điều trị đến lưu trữ thông tin từ phòng khám, khoa cận lâm sàng và các chuyên khoa trong bệnh viện đều nên ứng dụng telemedicine, không những an toàn hơn mà còn tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người bệnh. Ồ, thế giới bên ngoài thật phong phú đa dạng phải không con?
Con gái à, đôi lúc mẹ tự hỏi tại sao nghề điều dưỡng lại chưa được gọi tên đúng và tôn trọng đúng mực và có thể sau này khi con con biết đọc, con sẽ thấy một số thông tin tiêu cực nói về ngành y của mẹ, mẹ tin con gái mẹ sẽ không buồn vì con biết mẹ sẽ luôn cố gắng hoàn thiện hơn, làm việc chuyên nghiệp hơn và cố gắng yêu thương thật nhiều hơn nữa như cách mẹ đang học làm người mẹ tốt của con vậy. Khi con biết đi, mẹ sẽ dẫn con đi trên con đường đầy bóng cây và hoa thơm trong khuôn viên bệnh viện mẹ đang công tác và chỉ cho con biết khoa mẹ làm hàng ngày, mẹ mong con sẽ thích và tự hào vì có một người mẹ là điều dưỡng.
Mẹ yêu con!
Nguyễn Thị Gấm